18/08/2023
Tuyên truyền phòng bệnh lao
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất. Người bị lao phổi khi ho, hắt hơi, khạc đờm, vi khuẩn lao theo nước bọt bắn ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải sẽ bị nhiễm lao, có thể mắc bệnh lao.
Biểu hiện chính là người bệnh thường ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu), cơ thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, đôi khi khó thở, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác.
Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ; đủ thuốc, đủ thời gian; dùng thuốc đều đặn hàng ngày. Nếu không dễ khiến vi khuẩn lao kháng thuốc, gây khó khăn cho điều trị sau này.
Để phòng bệnh lao, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Tiêm vắc xin phòng lao (BCG) càng sớm càng tốt cho trẻ ngay tháng đầu sau khi sinh.
2. Khi ho kéo dài hơn 2 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X quang phổi để phát hiện bệnh lao.
3. Khi bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao cần che miệng khi ho, hắt hơi, không được khạc nhổ bừa bãi, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
4. Đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh cần thoáng mát, sạch sẽ.
5. Đối với những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người có HIV…rất dễ bị bệnh lao, do đó phải thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao.
6. Cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe, phòng tránh lao.

Cộng đồng cần có quan niệm đúng về bệnh lao, không nên mặc cảm hoặc kỳ thị người mắc bệnh lao. Hãy cùng hành động, tiến tới mục tiêu vì Việt Nam không còn bệnh lao