10/11/2023
Đình Cốc Tràng, biểu tượng cho văn hóa làng, xã
Đình Cốc Tràng tọa lạc trên gò đất cao nhất thôn Cốc Tràng thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Đình thờ 3 vị Thành hoàng với đôi câu đối còn ghi công trạng: Đinh triều long tướng nghiệp, Cốc lý lẫm thần uy (Danh tướng lẫy lừng triều Đinh- Uy danh lẫm liệt ở thôn Cốc Tràng); còn lưu giữ các hiện vật: 6 sắc phong ở các thời Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bia công đức, Bộ Long Đình bát biểu, 1 bức hoành phi, 3 bức bài vị 1 đôi câu đối 2 dòng chữ khắc trên đầu đình
Theo tương truyền có trận lụt lớn, cả vùng hóa thành biển nước chỉ còn gò đất cao nhất, khi nước rút đi trên gò đất còn mảnh gỗ khắc tên bài vị của 3 vị Thành Hoàng, dân làng cho đây là điềm linh ứng chọn nơi đất tốt dựng đình, mong muốn cầu bình an. Đình được dựng cột cất nóc vào niên hiệu Bảo Đại thứ 11 – 1936.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đình Cốc Tràng là nơi tụ tập của đội thiếu niên du kích và đội dân quân tự vệ, đêm đêm dưới ánh đuốc lập lòe người tập võ người học chữ, phía sau gian hậu cung còn là nơi giấu tài tiệu quan trọng của cách mạng.
Hằng năm vào mùng 10 tháng 2 dân làng mở hội, các cụ cao niên kể rằng vào những năm được mùa hội phải mở 3 ngày và nhất định phải có lễ tam sinh (Phải tế bằng thủ lợn) dân làng rước Long Đình bát biểu quanh làng, vòng qua Miếu Tàu sau đó ngự về Đình; Đội tế quan của làng luôn được duy trì năm nào mở hội to thì làm đại tế ...nam quan nữ tế áo mũ xênh xang, nam thanh nữ tú thi nhau đua tài trong những ngày mở hội, các cụ thì chơi Tổ tôm trong Đình, bên ngoài thì có chọi gà, cờ tướng... con cháu phương xa cứ lấy lệ đó mà về.


Trãi qua những biến đổi, thăng trầm, Đình Cốc Tràng đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu ví văn hóa làng, xã như một bức tranh thủy mặc với đủ đầy những yên bình, dung dị thì Đình làng chính là nét chấm phá đặc sắc nhất, nổi bật nhất. Có thể nói, Đình Cốc Tràng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, biểu tượng quyền lực làng, xã xưa mà trở thành biểu tượng cho văn hóa làng, xã ngày nay.