10/11/2023
Chùa Mông Thượng, Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố
Chùa Mông Thượng có tên chữ: Hồng Tân Tự thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng; Chùa nằm biệt lập, giáp cánh đồng, bên cạnh sông Văn Úc, mặt chính hướng về phía Đông Nam. Chùa còn lưu giữ được 16 cổ vật: Bát hương, cửa võng, tượng Bồ tát, Tượng Di đà, tượng Tam thế ở thế kỷ 19 và 20 chiếc chuông đồng còn khắc niên đại Tự Đức 1938; là di tích lịch sử kháng chiến còn giữ được khá nhiều hiện vật thuộc thế kỷ 18. Được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng và cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử kháng chiến” cấp thành phố (tại Quyết định số 1901/QĐ-UBND ngày 24/8/2006).
Nơi đây là địa chỉ đỏ cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Mông Thượng là cơ sở quan trọng trú quân, trong chùa có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, hầm được đào ngay ở trong chùa dưới chân tượng Đức ông, cửa hầm được ngụy trang bằng cây đại, đây là nơi nuôi giấu các cán bộ đảng viên của xã cũng như cấp trên.
Sau nhiều lần xây dựng và trùng tu, các công trình kiến trúc tương đối đầy đủ, khang trang. Kiến trúc chùa bao gồm: Cổng Tam quan hướng Đông Nam có tượng Phật Bà là điểm nhấn tổng quan của kiến trúc ngôi chùa; nơi thờ tự các pho tượng phật, ban thờ Đức ông, ban thờ Mẫu, tương tự như nhiều ngôi chùa ở ngoại thành Hải Phòng; gian thờ các vị sư tổ khu nhà ni; từ chính giữa tòa bái đường, qua diện tích sân chùa được lát gạch kiểu Bát Tràng, giữa sân chùa và phần phía trước sân; khu nhà phụ,…

Những giá trị to lớn về mặt lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là giá trị về mặt đời sống tinh thần mà Chùa Mông Thượng còn lưu giữ và phát triển cho đến hôm nay với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, các trò chơi dân gian, truyền thống. Hằng năm, Lễ hội chùa Mông Thượng diễn ra vào ngày ngày 27 tháng giêng âm lịch, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng làng, xã, phần hội luôn được duy trì đều đặn bằng các trò chơi truyền thống như chọi gà, tổ tôm điếm, cầu thùm, đặc biệt là môn cờ tướng thu hút nhiều kỳ thủ ở địa phương cũng như thập phương về tham dự tranh tài...
Ngôi chùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống và tâm thức của mỗi người dân xã Chiến Thắng, là không gian "linh thiêng", an lành, ở đó sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống, những vật lộn, bon chen, và giận dữ, khổ đau của cuộc đời dường như đã bị đẩy lùi.